Khu di tích Tượng Đài cây cốc
1. Địa lý tự nhiên:
Tiên Thọ là xã cửa ngõ phía Đông của huyện Tiên Phước, nằm dọc theo Quốc lộ 40B từ Tam Kỳ đi các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My, cách thành phố Tam Kỳ 18 km về phía Tây, cách trung tâm huyện Tiên Phước (thị trấn Tiên Kỳ) 7 km về hướng Đông.
Phía Đông giáp xã Tam Dân, Nam giáp xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và xã Tiên Lập, Tây giáp xã Tiên Lộc và thị trấn Tiên Kỳ, Bắc giáp xã Tiên Phong.
Diện tích tự nhiên: 2580 ha, trong đó đất nông nghiệp 840 ha, đất lâm nghiệp 1640 ha. Địa hình xã Tiên Thọ gồm núi và gò đồi xen lẫn nhau, ruộng đồng phân tán, nhỏ hẹp, phần lớn ven theo chân núi; có các đỉnh núi cao như Núi Sấu thôn 4, Núi Giàng thôn 9, Bàn Rộng thôn 10, Gò Gieo thôn 11…
Đất đai phân bố không đồng đều, xen kẽ giữa đất ở với đất sản xuất và gò đồi. Đất nông nghiệp không có những cánh đồng rộng, chủ yếu là ruộng bậc thang chạy theo chân núi.
Thực vật Tiên Thọ phong phú; vườn nhà dân có nhiều loại cây đặc sản như tiêu, chè, quế…Có nhiều loại cây, cỏ có thể làm dược liệu, nhiều tre trúc để làm hàng mỹ nghệ. Động vật có nhiều loại nhưng đã bị cạn kiệt theo thời gian tỷ lệ thuận với việc rừng nguyên sinh bị phá bỏ.
Lòng đất Tiên Thọ có vàng sa khoáng nằm rải rác dọc theo sông Tiên và sông Cà Đong. Có 2 con sông lớn chảy ngang đó là sông Cà Đong bắt nguồn từ núi Chúa Tam Dân chảy đến Vũng Vàng - Tiên Phong qua Tiên Thọ lên Tiên Kỳ và sông Tiên bắt nguồn từ Bồng Miêu chảy qua thôn 8, thôn 9 xã Tiên Thọ đến Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Kỳ.
Về giao thông: Quốc lộ 40B từ Tam Kỳ lên Phú Ninh chạy ngang qua xã dài 7km. Đây là trục giao thông huyết mạch, nối Tiên Thọ với các địa phương khác; ngoài ra còn rất nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã. Ngã ba Cây Cốc là là trung tâm của xã Tiên Thọ, mạng lưới giao thông rộng khắp, phân bố hợp lý, thuân lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân.
2. Địa lý lịch sử:
Xã Tiên Thọ theo thư tịch cổ thì thuộc Châu Hoa, Thăng Hoa lộ, An phủ sứ. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 Tiên Thọ có 7 làng. Hiện nay xã Tiên Thọ được tổ chức thành 11 thôn từ thôn 1 đến thôn 11.
3. Con người:
Tiên Thọ từng là địa bàn cư trú của người Chăm. Xã Tiên Thọ có nhiều người dân định cư từ nơi khác đến, trong đó có một bộ phận người Hoa (chủ yếu tập trung buôn bán ở khu vực trung tâm xã), sống gắn kết hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, xóm làng.
Cùng với quá trình phát triển, dân số xã Tiên Thọ cũng không ngừng tăng lên, tính đến ngày 30/12/2016 dân số xã Tiên Thọ có 6.801 khẩu với 1573 hộ.
Tiên Thọ là vùng căn cứ địa cách mạng trong cuộc đấu tranh yêu nước, giải phóng dân tộc, là nơi có trận địa lòng dân vững chắc. Mảnh đất này đã ghi dấu ấn lịch sử của phong trào cách mạng Tiên Phước nói chung, Tiên Thọ nói riêng, nơi sản sinh ra các tên tuổi đi vào lịch sử như chí sĩ yêu nước Trần Huỳnh, anh hùng LLVT Trần Ngọc Sương, anh hùng LLVT Nguyễn Hương….
4. Kinh tế - văn hóa:
Tiên Thọ là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, người dân Tiên Thọ với tinh thần vượt khó, lao động cần cù đã khai thác được các lợi thế địa phương nên đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Kinh tế vườn Tiên Thọ khá phát triển, trong vườn nhân dân trồng nhiều cây ăn quả như bưởi, cam, quýt, chuối, măng cụt, sầu riêng…hiện nay phong trào trồng cây tiêu gốc bản địa Tiên Phước đã được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ tại thôn 1, thôn 2, thôn 4, thôn 6 đã trồng theo mô hình trên 100 choái.
Phong trào nuôi gà thả vườn ở các thôn 3, thôn 4, thôn 11… được nhân dân hưởng ứng tích cực, nhiều hộ dân đã nuôi trên 1000 con/chu kỳ.
Bên cạnh đó, với diện tích gò đồi hiện có, người dân đã tích cực cải tạo, trồng keo kết hợp chăn nuôi bò mang lại giá trị kinh tế cao. Nhân dân tích cực hưởng ứng chủ trương của địa phương về chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập. Xã có chợ là nơi nhân dân trao đổi mua bán các mặt hàng phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong xã và một số người dân tại các xã lân cận.
Đời sống văn hóa của người dân cũng rất đa dạng, nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào văn hóa - văn nghệ của xã, các hoạt động giao lưu với các xã bạn và các phong trào, hoạt động do huyện tổ chức. Hằng năm địa phương tổ chức nhiều hoạt động như công diễn văn nghệ, thi các trò chơi dân gian, các giải bóng chuyền, cầu lông…làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Địa phương cũng đã phát động xây dựng xã văn hóa vào năm 2006, trong năm 2016 đã phát động xây dựng xã Nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2018 đạt xã Nông thôn mới; hiện nay Tiên Thọ đã đạt 11/19 tiêu chí Nông thôn mới và đang tập trung thực hiện đạt các tiêu chí còn lại.